image banner
Sớm thông tin hàng nghìn chiếc xe BMW cũ được mông má lại thành cô gái 18

 Cụ thể, tại Hội nghị đối thoại vừa diễn ra chiều qua (13/12) tại Văn phòng Chính Phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn chia sẻ với các DN Nhật rằng: "Vừa qua chúng tôi nhập 2 lô xe BMW từ Đức, một lô 700, một lô 470 chiếc, nhưng là xe cũ được hoán cải, Việt Nam gọi là "mông má từ người già thành cô gái 18" để lừa khách hàng. Lừa khách hàng như thế đương nhiên vừa ảnh hưởng người tiêu dùng nhưng thực chất là ảnh hưởng chính nhà sản xuất BMW".

Thông tin vụ hàng nghìn chiếc xe BMW cũ được mông má lại sẽ sớm được làm rõ
Thông tin vụ hàng nghìn chiếc xe BMW cũ được "mông má" lại sẽ sớm được làm rõ

Bộ trưởng Dũng thừa nhận, có hiện tượng DN lợi dụng chính sách để tư lợi. Trước các đề xuất, góp ý về chính sách của các DN, Bộ trưởng đã yêu cầu các Bộ Công Thương, Giao thông - Vận tải tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Bộ trưởng Dũng yêu cầu các Bộ không được đưa ra quy định mập mờ lừa Chính phủ.

Ngay sau vụ việc, PV Dân Trí có trao đổi với Tổng cục Hải quan, phía Tổng Cục Hải quan bước đầu xác nhận về việc Bộ trưởng Dũng nói, và sớm có thông tin về vụ việc này. Dân Trí sẽ tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan.

Trở lại câu chuyện liên quan đến quy định tại Nghị định 116, yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.

Trong khi mỗi quốc gia lại kiểm tra, thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận theo quy định của quốc gia đó, xe sản xuất phục vụ xuất khẩu không thuộc sự quan tâm của họ. Hiện nay ở Việt Nam đã có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ diễn ra trong ngày 12/12, trước sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Nhóm công tác về ô tô, xe máy thuộc VBF kiến nghị Chính phủ xem xét một số quy định gây khó khăn cho các DN nhập khẩu ô tô.

Nhóm công tác, Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng: Yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu dù cho cùng chung dòng xe, đơn hàng, gây gánh nặng cho DN và không có ý nghĩa. "Quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng, và chỉ làm lãng phí thêm thời gian (lên tới 2 tháng) và làm tăng chi phí (lên tới 10 nghìn USD) cho việc thử nghiệm theo từng lô hàng", Trưởng nhóm công tác ô tô xe máy VBF nêu.

Thực tế, trong năm 2013 - 2014, Hải quan Việt Nam đã phát hiện hành vi cưa đôi 1 chiếc ô tô BMW 645Ci đã qua sử dụng bị cắt làm đôi, tháo rời các phụ tùng, linh kiện, được bọc gói kĩ càng bằng nhiều lớp nylon và trà trộn với hàng hóa thông thường khác.

Bên cạnh đó, hiện có nhiều luồng thông tin dư luận còn cho hay nhiều chủng loại xe cũ được nhập về Campuchia, Lào hay Thái Lan, rồi thay thế linh kiện, chuyển sang Việt Nam dưới nhiều dạng thức khác nhau. Một số xe cũ trong nước mua về, được người mang sang Lào, Campuchia hoặc khu vực cửa khẩu, biên giới, khu phi thuế quan rồi sửa, chữa, thay mới thiết bị, giữ nguyên số khung, số máy, quay ngược trở lại Việt Nam, bán lại cho khách Việt.

Mới đây, năm 2016, trường hợp của Euro Auto nhập khẩu xe BMW tại Việt Nam cũng được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan làm rõ có nhiều thông tin sai lệch về hóa đơn, chứng từ, không có xuất xứ hàng hoá, lừa dối khách hàng. Lãnh đạo công ty này sau đó bị truy tố và bị bắt. Vụ này của Euro Auto khiến khoảng 700 chiếc xe BMW phải nằm tại cảng Sài Gòn, thông tin gần đây số xe này có thể được xuất ngược trả lại cho phía BMW.

Nguyễn Tuyền

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement