Trong thời đại xã hội hiện nay, chúng ta gần như đã không còn xa lạ với cụm từ “chuyển đổi số” nữa. Chúng ta đều biết 2-3 năm trở lại đây, chuyển đổi số được nhắc tới nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những cụm từ, câu hói “Chuyển đổi số hay là chết“, “chuyển đổi số sống sót và bứt phá” là những câu nói cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, quốc gia. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số với doanh nghiệp trong bài viết dưới đây
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là gì? Chuyển đổi số là tập trung vào đổi mới tổng thể, tăng cường khả năng thích ứng, tập trung nhiều hơn vào việc thu thập, xử lý, tích hợp dữ liệu, tri thức hữu ích cho tất cả các cấp ra quyết định, dựa trên dữ liệu. Có thể hình dung chuyển đổi số giống với hệ thần kinh trung ương, giúp doanh nghiệp trở nên thông minh, có khả năng sáng tạo, thích nghi nhanh chóng và hiệu quả với các thay đổi.
Chuyển đổi số có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực, bởi vậy ở mỗi lĩnh vực chúng sẽ mang lại mục đích khác nhau. Do đó, chưa có một định nghĩa nào rõ ràng, cụ thể về “chuyển đổi số”.
Tuy nhiên, có thể định nghĩa chuyển đổi số một cách dễ hiểu và ngắn gọn như sau:
Chuyển đổi số là sự tích hợp đầy đủ các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, ứng dụng các công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình chuyển đổi số trong kinh doanh và đem đến những giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số còn là sự thay đổi về văn hóa của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp cần liên tục cập nhật, thay đổi theo những cái mới, và thoải mái chấp nhận những điều thất bại.
Đối với Việt Nam, “chuyển đổi số” còn được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi mô hình doanh nghiệp từ dạng truyền thống sang dạng doanh nghiệp số. Dựa trên những ứng dụng công nghệ mới (Bigdata), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…. Để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình thực hiện, văn hóa của doanh nghiệp.
Không chỉ giữ vai trò quan trọng ở các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội như: Chính phủ, y học khoa học, truyền thông đại chúng….
Đa số, các doanh nghiệp thường hay nhầm lẫn khái niệm giữa “chuyển đổi số” (Digital Transformation) với “Số hóa” (Digitizing). Để phân biệt rõ hai khái niệm này, có thể hiểu đơn giản “số hóa” là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (như việc chuyển từ tài liệu số sang file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ analog sang phát sóng kỹ thuật…). Trong khi đó, “chuyển đổi số” là việc khai thác toàn bộ những dữ liệu có quá trình số hóa, áp dụng công nghệ phân tích, biến đổi dữ liệu để tạo ra những giá trị mới. Cũng có thể coi “số hóa” như là một phần của quá trình “chuyển đổi số”.
Tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi trong doanh nghiệp
Báo cáo đến từ những công ty chuyên nghiên cứu thị trường lớn như IDC, Gartner,… đều cho thấy chuyển đổi số thực sự rất quan trọng và nhiều lợi ích của chuyển đổi số có ảnh hưởng tới mọi mặt hoạt động doanh nghiệp.
Những lợi ích dễ dàng nhận biết nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp đó là giảm chi phí vận hành, tiếp cận khách hàng trong thời gian dài, lãnh đạo dễ dàng báo cáo kịp thời và tối ưu hóa được năng suất công việc cho nhân viên… Những điều này làm tăng tính hiệu quả cũng như sự cạnh tranh tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi phong cách sống của chúng ta. Đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình cùng phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước.
Nhìn chung, dựa theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số bao gồm: Tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất nhân viên,…
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp thế nào hiệu quả?
Chuyển đổi số mang lại thay đổi lớn, làm gián đoạn toàn bộ nhiều ngành công nghiệp, đồng thời, lại tạo ra sự sáng tạo phá hủy giúp một số doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển kỷ lục. Nhiều tập đoàn lớn, lâu đời chật vật trong khi các doanh nghiệp mới, nhỏ và linh hoạt hơn nhờ áp dụng những mô hình kinh doanh mới. Nhưng cơ hội vẫn dành cho tất cả. Chuyển đổi số doanh nghiệp có thể thực hiện thông qua việc tư duy lại hướng kinh doanh, đánh giá lại chuỗi giá trị, kết nối lại với khách hàng và cấu trúc lại doanh nghiệp.
Chuyển đổi số mang lại cơ hội kinh doanh mới. Mỗi người dân có thể thành một doanh nghiệp, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử. Từ tháng 8/2020 đến hết 30/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện triển khai thí điểm chuyển đổi số tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Một trong những trọng tâm quan trọng là phát triển kinh tế số nông thôn, hỗ trợ bà con nông dân đưa đặc sản cá trạch sụn kho niêu của địa phương lên sàn thương mại điện tử. Hiệu quả kinh doanh đã được cải thiện rõ rệt. Trước khi chuyển đổi số sản phẩm đơn điệu chưa có bao bì, hộp đựng, sản phẩm chưa bắt mắt về hình thức; sản lượng bán ra từ tháng 01/2019 đến tháng 8/2020 là 934 sản phẩm. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, trong thời gian 10 tháng (từ tháng 9/2020 đến hết 30/6/2021), số lượng sản phẩm bán ra là 4.204, tăng 4,5 lần; ước tính tăng thu nhập cho lao động của Hợp tác xã từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 4,5 triệu đồng/ người/tháng, gấp 03 lần so với trước đây. Sản phẩm được thiết kế bao bì, đóng gói bắt mắt, không những đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà còn trở thành món quà tặng, mang lại trải nghiệm mới cho người dân cả nước. Tương tự, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng các nền tảng số để thực hiện chuyển đổi số, thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy và nhận thức. Tương tự như trên, một xưởng gỗ có thể tự đặt câu hỏi là mình vẫn đóng và bán đồ gỗ như bao nhiêu năm qua hay mình sẽ bán thiết kế đồ gỗ nội thất theo nhu cầu của khách hàng, cho phép khách hàng được tham gia có ý kiến đối với đồ gỗ của họ theo cách họ muốn, được nhìn trực quan phiên bản số 3D trước khi quyết định lựa chọn? Doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần đổi mới nhận thức và đưa ra bài toán. Công nghệ số sẽ giúp giải quyết.
Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng các nền tảng.
Với dân số hiện tại là 96 triệu dân, và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ nhất nhì tại khu vực, nắm giữ dân số trẻ, năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao, nhanh chóng. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để những doanh nghiệp tại Việt Nam tạo sự đột phá trên thị trường “chuyển đổi số”.
UBND thị trấn Kim Tân kêu gọi các Doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn đẩy mạnh chuyển đổi số, nắm bắt cơ hội để có những chiến lược thúc đẩy hoạt động số trong doanh nghiệp, nhằm mang lại lợi nhuận cao và dài hạn./.